Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam (chủ yếu ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) công bố nhiều kết quả quan trọng về ngữ âm tiếng Việt. Năm 1976, tác giả Đoàn Thiện Thuật xuất bản công trình Ngữ âm tiếng Việt (xem /42/) vừa như bản tổng kết các thành tựu đã có về lĩnh vực này, vừa như giáo trình chuyên ngành ngôn ngữ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1978, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Hà Nội, đã nhanh chóng áp dụng những thành tựu khoa học về ngữ âm tiếng Việt vào môn học Tiếng Việt lớp 1.
Công trình Ngữ âm tiếng Việt (sdđ) đã trình bày rất nhiều nội dung khoa học về hệ thống ngữ âm tiếng Việt mà môn học Tiếng Việt lớp 1 CGD vận dụng để hình thành cho học sinh. Sau đây, đề tài xin giới thiệu một số khái niệm cơ sở trong công trình này.
MỘT VÀI VẤN ĐỀ VỀ NGỮ ÂM TIẾNG VIỆT TRONG CHƯƠNG TRÌNH TIẾNG VIỆT 1 CGD ThS. Võ Thanh Hà Cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, các nhà ngôn ngữ học Việt Nam (chủ yếu ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) công bố nhiều kết quả quan trọng về ngữ âm tiếng Việt. Năm 1976, tác giả Đoàn Thiện Thuật xuất bản công trình Ngữ âm tiếng Việt (xem /42/) vừa như bản tổng kết các thành tựu đã có về lĩnh vực này, vừa như giáo trình chuyên ngành ngôn ngữ của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1978, GS. TSKH Hồ Ngọc Đại mở trường Thực nghiệm Hà Nội, đã nhanh chóng áp dụng những thành tựu khoa học về ngữ âm tiếng Việt vào môn học Tiếng Việt lớp 1. Công trình Ngữ âm tiếng Việt (sdđ) đã trình bày rất nhiều nội dung khoa học về hệ thống ngữ âm tiếng Việt mà môn học Tiếng Việt lớp 1 CGD vận dụng để hình thành cho học sinh. Sau đây, đề tài xin giới thiệu một số khái niệm cơ sở trong công trình này. 1. Khái niệm âm vị Đơn vị nhỏ nhất của hệ thống biểu đạt thành tiếng của một ngôn ngữ, được quan niệm như một tổng thể của những nét khu biệt được thể hiện đồng thời, đó là âm vị. Âm tố là đơn vị âm thanh nhỏ nhất của lời nói có thể tách ra về mặt cấu âm – thính giác, đồng chất trong một khoảng thời gian nhất định và tương ứng với một âm vị. Chữ viết ghi âm là phương tiện ghi lại bằng đồ hình, hình thức biểu đạt bằng âm thanh của ngôn ngữ. Mỗi con chữ (đôi khi một tổ hợp con chữ) ghi một âm vị. Phiên âm âm vị học / /. 2. Khái niệm âm tiết Chuỗi lời nói được con người phát ra thành những mạch khác nhau, những khúc đoạn, từ lớn đến nhỏ khác nhau. Đơn vị phát âm nhỏ nhất là âm tiết. Chẳng hạn, từ xà phòng được phát âm thành xà và phòng. Ta có hai âm tiết: xà và phòng. Âm tiết là một khúc đoạn của lời nói có khả năng mang cái mà nhà ngữ âm học châu Âu vẫn gọi là hiện tượng ngôn điệu như thanh điệu, trọng âm và ngữ điệu. Trong tiếng Việt, một âm tiết bao giờ cũng được phát ra với một thanh điệu. Với tư cách là một đơn vị phát âm nhỏ nhất, âm tiết được xác định, về cơ chế cấu tạo, như một đợt căng của cơ thịt của bộ máy phát âm. Cứ mỗi lần cơ phát âm căng dần lên tới đỉnh cao nhất rồi trùng dần xuống để rồi sắp tới lại bắt đầu căng lên là ta có một âm tiết. Các đợt căng của cơ nối tiếp nhau, làm thành một chuỗi âm tiết và có thể hình dung bằng một chuỗi đường cong hình sin. Tác giả Đoàn Thiện Thuật đã nêu ra 2 đặc điểm của âm tiết tiếng Việt. Đó là: - Trong tiếng Việt, ranh giới âm tiết trùng với ranh giới hình vị. Mỗi âm tiết là hình thức biểu đạt của một hình vị. Về đặc điểm này, tác giả đưa ra ví dụ về câu thơ của Hồ Chủ Tịch: “tiến lên toàn thắng ắt về ta”. Với phát ngôn này, nếu được phân tích trên bình diện thứ nhất, bằng cách đối chiếu với những phát ngôn khác như “năm qua thắng lợi vẻ vang”...và rút ra những đơn vị có ý nghĩa nhỏ nhất, tức hình vị, ta sẽ có bảy hình vị khác nhau. Phát ngôn trên nếu được phân tích trên bình diện thứ hai bằng cách căn cứ vào trọng âm, vào luồng hơi thở khi phát âm và đi tới những đơn vị phát âm nhỏ nhất, tức âm tiết, thì ta có được 7 âm tiết. Như vậy, số lượng âm tiết và số lượng hình vị bằng nhau và ranh giới của chúng trùng nhau. - Trong tiếng Việt, âm tiết là điểm xuất phát của việc phân tích âm vị học. Đối với đặc điểm thứ hai, tác giả đã đưa ra luận điểm như: “Muốn phân xuất âm vị trong tiếng Việt, chúng ta cũng tuân thủ đúng những điều nói trên của lí luận âm vị học truyền thống. Chúng ta xuất phát từ các hình vị để đi tới âm vị nhưng vì hình vị lại trùng với âm tiết nên cũng chính là xuất phát từ âm tiết để đi tới âm vị...trong tiếng Việt, âm tiết được xem như điểm xuất phát của việc phân tích âm vị học và được kể đến hàng đầu trong việc nghiên cứu.” (Xem /42/). Cấu trúc âm tiết: Âm tiết tiếng Việt gồm 3 bộ phận độc lập: thanh điệu, âm đầu, phần vần. Các bộ phận này có thể coi là thành tố hoặc phân chia thành một số thành tố. Chức năng của các thành tố: - Thành tố thứ nhất có chức năng khu biệt âm tiết này với âm tiết khác về mặt âm vực (bằng cao độ của âm cơ bản). Ví dụ: “bàn” khu biệt với “bán” do cao độ khác nhau. Thành tố này được gọi là thanh điệu. - Thành tố thứ hai có chức năng mở đầu âm tiết. Âm tiết này khu biệt với âm tiết khác bằng những cách mở đầu khác nhau. Có cách mở đầu bằng sự tắc thanh hầu, có cách bằng sự cọ xát của không khí v.v... Ta gọi đó là âm đầu. - Thành tố thứ ba có chức năng biến đổi âm sắc của âm tiết sau lúc mở đầu. Âm sắc của âm tiết sau khi mở đầu bị trầm hoá hay trung hòa là do thành tố đang xét và ta gọi là âm đệm. - Thành tố thứ tư có chức năng quy định âm sắc chủ yếu của âm tiết. Nó là hạt nhân của âm tiết. Vì vậy nó được gọi là âm chính. - Thành tố cuối cùng có chức năng kết thúc âm tiết. Cách kết thúc khác nhau (tắc hoặc không tắc, v.v..) làm thay đổi âm sắc của âm tiết đi và có tác dụng khu biệt âm tiết này với âm tiết khác. Thành tố này gọi là âm cuối. Các bậc trong sự phân định thành tố: Âm tiết tiếng Việt có cấu trúc hai bậc: bậc thứ nhất bao gồm những thành tố trực tiếp của nó được phân định bằng những ranh giới có ý nghĩa hình thái học, bậc thứ hai bao gồm những yếu tố của phần vần, chỉ có chức năng khu biệt thuần tuý. Âm tiết Âm đầu Phần vần I. Thanh điệu Âm cuối Âm chính II. ..Âm đệm Lược đồ âm tiết tiếng Việt Thanh điệu Âm đầu Vần Âm đệm Âm chính Âm cuối Thành phần thứ nhất do 1 trong 6 thanh điệu đảm nhận. Âm đầu do âm vị phụ âm và phụ âm tắc thanh hầu đảm nhiệm. Âm đệm do âm vị bán nguyên âm môi [w] và do âm vị / zêrô / đảm nhiệm. Âm chính do âm vị nguyên âm đảm nhiệm. Âm cuối do âm vị phụ âm, bán nguyên âm, âm vị zêrô đảm nhiệm. Lược đồ âm tiết này đã được vận dụng trong môn Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục. 3. Khái niệm nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm 3.1. Nguyên âm: Những âm do dây thanh tạo nên, đi lên còn được biến đổi đi nhờ hiện tượng cộng hưởng khi đi qua những khoang rỗng ở phía trên thanh hầu, như khoảng yết hầu, khoang miệng, khoang mũi. Âm này nếu đi lên và thoát ra ngoài một cách tự do, có một âm hưởng êm ái, dễ nghe mà đặc trưng âm học của nó là có tần số xác định, có đường cong biểu diễn tuần hoàn, được gọi là tiếng thanh. Trong ngôn ngữ, các nguyên âm về bản chất âm học là tiếng thanh. 3.2. Phụ âm: Luồng không khí từ phổi lên qua thanh hầu có thể không tiếp nhận được một âm nào do chỗ dây thanh không hoạt động và để ngỏ. Tuy nhiên, trong quá trình thoát ra ngoài nếu nó gặp một sự cản trở nào đó, chẳng hạn sự thu hẹp khe hở của dây thanh, sự tiếp xúc của đầu lưỡi với răng, sự khép chặt của hai môi, nó phải lách qua khe hở hoặc phá vỡ sự cản trở thì khi đó sẽ tạo nên một tiếng cọ xát hay một tiếng nổ. Những tiếng này không “dễ nghe”, có tần số không ổn định, được biểu diễn bằng đường cong không tuần hoàn và được gọi là tiếng động. Phương thức cấu tạo cơ bản của các phụ âm trong mọi ngôn ngữ là như vậy. Đặc điểm cơ bản của cơ chế phát âm các phụ âm là sự cản trở không khí, là sự cấu tạo tiếng động. 3.3. Bán nguyên âm hay bán phụ âm: Vừa mang tính chất nguyên âm vừa mang tính chất phụ âm. VD: i, u trong bấy lâu, đại hội. 4. Các thành tố cấu tạo âm tiết 4.1. Thanh điệu Thanh điệu là một âm vị siêu đoạn tính. Nó được biểu hiện trong toàn âm tiết, hay đúng hơn là toàn bộ phần thanh tính của âm tiết (bao gồm cả âm đầu, âm đệm, âm chính và âm cuối). Tiếng Việt có sáu thanh điệu: - Thanh không dấu: Thanh điệu cao, đường nét vận động bằng phẳng từ đầu đến cuối. - Thanh huyền: Thanh điệu thấp. Đường nét vận động bằng phẳng, về cuối hơi đi xuống. - Thanh hỏi: Thanh điệu thấp và có đường nét gẫy ở giữa. Độ cao lúc bắt đầu của thanh hỏi gần ngang thanh huyền. Sau khi đi ngang một đoạn, thanh này đi xuống và lại đi lên đối xứng với đường đi xuống. Độ cao lúc kết thúc bằng độ cao lúc ban đầu. - Thanh ngã: Thanh ngã bắt đầu độ cao gần ngang thanh huyền nhưng không đi ngang mà vút lên kết thúc ở độ cao hơn cả thanh không dấu. Đường nét vận động bị gẫy ở giữa do trong trong quá trình phát âm có hiện tượng tắc thanh hầu. - Thanh sắc: Lúc bắt đầu, độ cao của thanh sắc gần ngang với thanh không dấu nhưng thanh sắc không đi ngang mà đi lên. - Thanh nặng: Thanh nặng là một thanh thấp và có đường nét xuống dần. Các thanh này được thể hiện về mặt chữ viết như sau: - Thanh không dấu: khi viết không có dấu. - Thanh huyền: \ - Thanh ngã: ~ - Thanh hỏi: ? - Thanh sắc: / - Thanh nặng: . 4.2. Âm đầu: Các âm vị đảm nhiệm thành phần âm đầu của âm tiết tiếng Việt bao giờ cũng là các phụ âm. Tác giả Đoàn Thiện Thuật đã nêu ra 21 âm vị phụ âm được ghi lại trên chữ viết. Đó là các con chữ: b, c, ch, d, đ, g, gh, h, gi, k, kh, l, m, n, ng, ngh, p, ph, r, s, t, th, tr, x, v. Sở dĩ số lượng chữ viết nhiều hơn số lượng âm vị vì sự thể hiện âm vị trên chữ viết không phải theo nguyên tắc 1-1. Có những âm vị biểu hiện bằng 1 con chữ như âm m thể hiện bằng chữ m. Có những âm vị thể hiện trên nhiều con chữ như âm c thể hiện bằng 3 con chữ c, k, q Ông cũng có nêu ra một số vấn đề về việc thể hiện bằng chữ viết của các âm vị này mà sau đó đã được áp dụng để dạy luật chính tả cho học sinh học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục như sau: Đó là: - âm vị k được ghi bằng con chữ: + k khi đứng trước nguyên âm i, ê, e, iê: kí, kẻ, kể, kiếp + q khi đứng trước bán nguyên âm /w/: quả, quê + c trường hợp còn lại: cá, cờ.. - âm vị gh được ghi bằng con chữ: + gh khi đứng trước nguyên âm i, ê, e: ghi, ghế, ghé + g trường hợp khác: gà gô... - âm vị ng được ghi bằng con chữ: + ngh khi đứng trước trước nguyên âm i, ê, e, iê: nghĩ, nghe, nghề, nghiệp + ng trường hợp khác: nga - Nhóm con chữ gi khi gặp i, iê, ia vốn ghi nguyên âm làm âm chính trong âm tiết thì bị tinh giản còn “g”: ví dụ: làm gì (đáng lẽ phải viết giì), cái giếng (đáng lẽ phải viết giiếng). Bên cạnh 21 âm vị phụ âm được ghi lại trên chữ viết đó, ông cũng nêu lên âm vị /?/ (âm tắc thanh hầu). Âm vị này không được ghi lại trên chữ viết nên cũng không phải là đối tượng được chú ý trong môn Tiếng Việt 1. 4.3. Âm đệm Trong tiếng Việt, âm vị bán nguyên âm môi /-w-/ đóng vai trò âm đệm. Âm vị này được ghi bằng 2 con chữ: - Ghi bằng con chữ “u”: + trước nguyên âm hẹp, hơi hẹp: VD: huy, huế + sau phụ âm /k-/ VD: qua, quê, quân. (trường hợp này đã được đưa vào dạy luật chính tả trong Tiếng Việt 1 CGD) - Ghi bằng con chữ “o” khi trước nguyên âm rộng, hơi rộng. VD: hoa, hoe, Ngoài ra, trong tiếng Việt còn có âm đệm /zêrô/. Âm đệm này thể hiện bằng sự vắng mặt của một con chữ. Do đó, âm đệm này cũng không được chú ý trong môn Tiếng Việt 1. 4.4. Âm chính Tác giả Đoàn Thiện Thuật đã chỉ ra trong tiếng Việt có 16 âm vị làm âm chính. Trong đó có: 13 nguyên âm đơn và 3 nguyên âm đôi. Trong đó, nguyên âm đôi là những tổ hợp nguyên âm có giá trị đơn âm vị tính. Các nguyên âm đơn được thể hiện bằng các con chữ sau: a, ă, â, e, ê, i, o, ô, ơ, u, ư, y, ... Sự thể hiện bằng chữ viết của nguyên âm đôi đã được áp dụng để dạy luật chính tả trong tiếng Việt 1 CGD. - Nguyên âm đôi iê: + ghi bằng chữ yê trong âm tiết có âm cuối khác zêrô và âm đệm /-w-/: ví dụ: uyển chuyển hoặc trong âm tiết có âm cuối khác zêrô, âm đệm zêrô, âm đầu /?/: ví dụ: yêu. + ghi bằng chữ iê trong âm tiết có âm cuối khác zêrô, âm đệm zêrô, âm đầu khác /?/: ví dụ: tiêu tiền. + ghi bằng chữ ia trong âm tiết có âm cuối zêrô: ví dụ: chia. + ghi bằng chữ ya trong âm tiết âm đệm /-w-/, âm cuối zêrô: ví dụ: khuya. - Nguyên âm đôi uô + ghi bằng chữ uô khi âm cuối khác zêrô: ví dụ: uống + ghi bằng chữ ua khi âm cuối là zêrô: ví dụ: lúa. - Nguyên âm đôi ươ + ghi bằng chữ ươ khi âm cuối khác zêrô: ví dụ: ương + ghi bằng chữ ưa khi âm cuối zêrô: ví dụ: chừa 4. 5. Âm cuối Tiếng Việt có: 8 âm vị làm âm cuối: 6 phụ âm, 2 bán nguyên âm. 6 phụ âm được thể hiện bằng 8 con chữ sau: p, t, c, ch, m, n, ng, nh. 2 bán nguyên âm được thể hiện bằng 4 con chữ: u, o, i, y. Bên cạnh đó, tác giả Đoàn Thiện Thuật còn đề cập đến âm vị zêrô. Âm vị này thể hiện bằng việc khuyết con chữ. Do đó, âm vị này cũng không được đề cập trong môn Tiếng Việt 1. Trên đây là khái quát một số vấn đề về Ngữ âm Tiếng Việt trong công trình nghiên cứu cùng tên của GS Đoàn Thiện Thuật. Có thể nhận thấy một điều là, trên cơ sở những thành tựu của Ngữ âm học tiếng Việt, Hồ Ngọc Đại đã khéo léo vận dụng trong việc dạy Tiếng Việt 1 CGD. Ở đây sự khéo léo thể hiện trong việc vận dụng cả về mặt nội dung và phương pháp làm việc. - Về mặt nội dung, đó là những thành tựu về âm tiết, lược đồ âm tiết tiếng Việt, về khái niệm nguyên âm, phụ âm, bán nguyên âm, các thành tố cấu tạo âm tiết, về sự thể hiện bằng chữ viết của các âm mà sau đó đã được áp dụng để dạy luật chính tả cho học sinh học Tiếng Việt 1 CGD...... Về mặt chữ viết, GS Đoàn Thiện Thuật đã khẳng định trong công trình nghiên cứu của mình là “Hệ thống chữ viết của chúng ta ngày nay mặc dù còn chứa đựng nhiều điều không hợp lí, nhưng nói chung là một hệ thống chữ viết tốt. Ưu điểm chủ yếu ở chỗ nó là một thứ chữ viết ghi âm vị. Cách ghi các từ theo nguyên tắc ngữ âm học. Do đó, chữ viết này tiến bộ xét về mặt lí thuyết, đơn giản, dễ học về mặt thực tiễn.” (xem /42/) - Về mặt phương pháp, đó là việc vận dụng những phương pháp của các nhà khoa học đã trải qua trong việc nghiên cứu ngữ âm tiếng Việt. + Đó là cách phân xuất chuỗi lời nói thành các âm tiết. Điều này có thể thấy qua các bài học đầu tiên là Tách lời thành tiếng. Qua câu ca dao về Bác Hồ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen. Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”, học sinh đã học cách phân xuất, tách lời thành các tiếng khác nhau. + Đó là cách lấy âm tiết là đơn vị xuất phát để phân xuất thành các thành tố nhỏ hơn. Điều này thể hiện qua các bài như tách tiếng thành hai phần, hệ thống các loại vần được học trong chương trình Tiếng Việt 1 CGD với các mẫu như ba, loa, lan, loan... 5. Một số vấn đề về chính tả cần lưu ý trong chương trình Tiếng Việt 1 CGD 5.1. Luật viết hoa a. Tiếng đầu câu Tiếng đầu câu phải viết hoa. b. Tên riêng b1. Tên riêng Tiếng Việt - Viết hoa tất cả các tiếng không có gạch nối. Ví dụ: Vạn Xuân, Việt Nam. - Tên riêng chỉ có một tiếng thì viết hoa tiếng đó. Ví dụ: sông Hương, núi Ngự. b2. Tên riêng tiếng nước ngoài Chỉ viết hoa tiếng đầu mỗi từ. Giữa các tiếng trong mỗi từ phải có gạch nối. Ví dụ: Cam-pu-chia, Xinh-ga-po. 5. 2. Luật ghi tiếng nước ngoài - Nghe thế nào viết thế ấy. (như Tiếng Việt). Giữa các tiếng (trong một từ) phải có gạch nối. Ví dụ: Pa-nô, pi-a-nô. 5.3. Luật ghi một số thành tố a. Ghi dấu thanh - Viết dấu thanh ở âm chính của vần. Ví dụ: bà, bá - Ở tiếng có âm đệm thì dấu thanh đặt ở âm chính. Ví dụ: loá, quỳnh... - Ở tiếng có âm cuối là bán nguyên âm (u,o, i, y) thì dấu thanh đặt ở âm chính. Ví dụ: bào, mùi... - Ở tiếng có nguyên âm đôi mà không có âm cuối thì dấu thanh được viết ở vị trí con chữ thứ nhất của nguyên âm đôi. Ví dụ: mía, múa... - Ở tiếng có nguyên âm đôi mà có âm cuối thì dấu thanh được viết ở vị trí con chữ thứ hai của nguyên âm đôi. Ví dụ: miến, buồn... b. Ghi một số âm đầu b1. Luật e, ê, i - Âm cờ trước e, ê, i phải viết bằng chữ k (gọi là ca) - Âm gờ trước e, ê, i phải viết bằng chữ gh (gọi là gờ kép) - Âm ngờ trước e, ê, i phải viết bằng chữ ngh (gọi là ngờ kép) b2. Luật ghi âm cờ trước âm đệm. Âm cờ đứng trước âm đệm phải viết bằng chữ q (cu) và âm đệm viết bằng chữ u. b3. Luật ghi chữ "gì" ở đây có hai chữ đi liền nhau. Khi viết phải bỏ i của chữ gi, thanh gì. c. Ghi một số âm chính c1. Âm ă Âm chính ă đi với âm cuối y và u, viết như a (không có dấu phụ) c2. Quy tắc chính tả khi viết âm i. - Tiếng chỉ có một âm i thì có tiếng viết bằng i (i ngắn) có tiếng viết bằng y (y dài) + Viết i nếu đó là từ Thuần Việt (ì ầm) + Viết y nếu đó là từ Hán Việt (y tá) - Tiếng có âm đầu và âm i thì một số tiếng có thể viết y, hoặc viết i đều được. Nhưng hiện nay quy định chung viết là i: thi sĩ. - Khi có âm đệm đứng trước, âm i phải viết là y (y dài): Huy hiệu. c3. Cách ghi nguyên âm đôi. Cả ba nguyên âm đôi Tiếng Việt có cùng một quy luật viết thống nhất. Nguyên âm đôi Cách viết 1 Không có âm cuối Có âm cuối /iê/ ia iê /uô/ ua uô /ươ/ ưa ươ Riêng nguyên âm đôi iê còn có những quy tắc viết chi tiết hơn: - Nếu có âm đệm, không có âm cuối thì viết là: ya: khuya. - Nếu có âm đệm- có âm cuối, hoặc không có âm đầu thì viết là: yê: chuyên, tuyết... yê: yên, yểng... Như vậy, nguyên âm đôi iê có tất cả 4 cách viết: ia / ya và iê / yê d. Âm cuối và thanh điệu - Các tiếng có âm cuối là m, n, ng, nh, o, u, i, y có thể kết hợp với 6 thanh điệu. - Các tiếng có âm cuối là p, t. c, ch chỉ kết hợp với 2 thanh điệu: sắc, nặng. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Lê A, Chữ viết và dạy chữ viết ở tiểu học, NXB. Đại học Sư phạm, 2002. 2. Mai Ngọc Chừ, Vũ Đức Nghiệu, Hoàng Trọng Phiến, Cơ sở ngôn ngữ học Tiếng Việt, NXB. Giáo dục, 2008. 3. Võ Thanh Hà, Dạy chính tả lớp 1 theo chương trình Công nghệ giáo dục, đề tài cấp phòng, P2006-38-09. 4. Lê Văn Hồng, Hoàn thiện công nghệ dạy tiếng Việt lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đề tài trọng điểm cấp Bộ, B2004-51-T Đ11. 5. Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, NXB ĐH Quốc Gia Hà Nội, 2004.
Tài liệu đính kèm: